Vườn Lâm Tỳ Ni là nơi Đức Phật đản sinh, một trong bốn Phật tích quan trọng của Phật giáo, và được coi là một trong những địa điểm hành hương quan trọng của Phật tử trên khắp thế giới.
Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nằm ở dưới chân dãy Himalaya, thuộc vùng Rupandehi phía Tây Nam của Nepal, giáp biên giới Ấn Độ. Như trong kinh kể lại, hoàng hậu Ma Da, vợ vua của Tịnh Phạn (Suddhodana), người trị vì vương quốc nhỏ của dòng tộc Thích Ca (Sakya), họ Cồ Đàm (Gotama), phía Bắc Ấn Độ, sau khi nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà theo luồng ánh sáng bay đến nhập vào thân thể bà, khiến bà thụ thai. Theo đúng cổ tục của Ấn Độ, khi gần đến ngày sinh, Hoàng hậu có xin phép Đức Vua cho mình trở về quê nhà để sinh nở. Khi đi đến vườn Ngự Uyển Lâm Tỳ Ni của vua Thiện Giác xứ Ấn Độ, cách thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) khoảng 15 km, bà cho đoàn dừng lại nghỉ ngơi. Khi đi dạo quanh vườn, hoàng hậu bỗng nhiên nhìn thấy một đóa hoa Vô Ưu màu trắng tuyệt đẹp nở trên một thân cây cổ thụ gần đó, bà giơ tay trái ra định hái nhưng ngay lúc đó, bào thai bỗng chợt động và hoàng tử được hạ sinh ngay từ bên nách trái của bà. Ngay khi vừa chào đời, hoàng tử đã bước đi bảy bước, mỗi bước có một đóa hoa sen nâng đỡ chân ngài, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói rằng:
Thiên thượng địa hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết chúng sinh
Giai hữu Phật tính.
Nghĩa là:
Trên trời dưới đất
Chỉ có ta là duy nhất
Hết thảy chúng sinh
Đều có tính Phật.
Hoàng tử ra đời khiến cho vua Tịnh Phạn vô cùng vui mừng, đức vua cho mời các thầy đạo sĩ đến coi tướng cho Hoàng tử. Tất cả đều nói rằng, Hoàng tử có đủ cả 32 tướng tốt, trên đời không ai sánh bằng, sau này nếu làm vua thì sẽ trở thành một vị Đại đế còn xuất gia học đạo thì sẽ trở thành bậc Đại Thánh giả. Vì vậy, đức vua liền đặt tên cho Hoàng tử là Tất Đạt Đa, cũng phong người làm Thái tử nối ngôi. Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra được bảy ngày thì Hoàng hậu Ma Da, thân mẫu của ngài qua đời. Ngài được vua cha trao cho bà dì Maha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati Gotami) nuôi nấng, dạy dỗ theo lời trăng trối của Hoàng hậu.
Cột đá do vua A Dục dựng lên
Chữ ghi trên cột đá của vua A Dục
Trong thời Đức Phật còn tại thế, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp được bao phủ bởi màu xanh và bóng mát, nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Câu Lợi. Vào khoảng năm 249 trước Công Nguyên, vua A Dục đã từng đến thăm Lâm Tỳ Ni, cho dựng lên ở đây bốn cây cột trụ bằng đá, ghi dấu nơi đản sinh của Đức Phật. Đến năm 1986, một nhà khảo cổ học người Anh tên là Cuningham đã khai quật được một trụ đá trong 4 trụ đá được Vua A Dục chôn xuống. Trên trụ đá có ghi: “Vua Piyadasi (A Dục) vào năm trị vì thứ hai mươi đã đích thân tới đây chiêm bái. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được đản sinh tại nơi đây, bốn trụ đá đã được dựng để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn được sinh ra. Làng Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật sinh được giảm thuế và tự hưởng tám phần”.
Vườn Lâm Tỳ Ni đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới vào năm 1997.
Đền Mayadevi
Vị trí chính xác nơi Đức Phật đã được sinh ra
Ngày nay, vườn Lâm Tỳ Ni nằm trong một khu vực rộng lớn, được bao bọc bởi các tu viện, được chia làm hai khu là tu viện phía Đông và tu viện phía Tây, phía Đông là tu viện của Phật giáo Nguyên thủy còn phía Tây là tu viện của Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Vườn Lâm Tỳ Ni bây giờ chỉ còn lại di tích của những tu viện cổ, cây bồ đề thiêng liêng, ao tắm cổ, các trụ đá của vua A Dục và ngôi đền Mayadevi nằm chính xác ở nơi Đức Phật đã được sinh ra.