Quần thể hang động Ajanta thuộc bang Maharashtra, một bang ở phía Tây Bắc của Ấn Độ. Ajanta tọa lạc giữa lưng chừng núi, bên dưới hang động là lòng vực cùng dòng sông Waghora uốn khúc. Nó nằm bên ngoài ngôi làng Ajinthā thuộc huyện Aurangabad.
Quận thể hang động Ajanta gồm có tất cả là 31 hang động do chính bàn tay con người tạo ra, được bố trí theo dạng hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m. Đây được xem là một minh chứng lịch sử quan trọng cho sự Phát triển của đạo Phật ở Ấn Độ. Quần thể hang động này được tạo dựng vào hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu khoảng vào năm 200 Trước công nguyên, giai đoạn thứ hai thì vào khoảng năm 600. Từ một dãy núi đá khổng lồ, người ta đã đục đẽo, chạm khắc tạo nên những công trình kiến trúc với tầm vóc kỳ vĩ, cùng sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết. Các hang động này có bố cục như một ngôi chùa, gồm có chánh điện, trai phòng, tăng xá,… cho nên người ta gọi chúng là các chùa hang. Ngày nay, người ta gọi các chùa hang này theo số thứ tự.
Toàn cảnh quần thể hang động Ajanta
Bên trong các hang động và trên vách động là các bức bích họa và những tác phẩm điêu khắc được xem như những tuyệt tác nghệ thuật của nền nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ. Dày đặc trên các mái vòm ở các vách chùa hang là những bức tranh màu đặc sắc. Trong các ngôi chùa hang có nhiều tranh vẽ bằng màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam trên nền đá cẩm thạch, mô tả sinh động những điển tích Phật giáo, các câu chuyện trong các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Trong chùa hang số 19 có một tác phẩm điêu khắc đá tuyệt diệu, tạc hình Dức Phật đứng, khóa áo cà sa, gương mặt Đức Phật với một vẻ đẹp thanh thoát, miệng mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống… Bức tượng toát lên vẻ thanh cao và bình an lạ thường. Bức tượng này được xem là khuôn mẫu cổ xưa nhất của hình dáng tượng Phật đứng. Bên cạnh những tác phẩm điêu khắc đá và bích họa mô tả các điển tích Phật giáo, các hình tượng đức Phật, Bồ-tát, các hình ảnh mang đậm màu sắc Phật giáo, gắn liền với lịch sử và triết lý nhà Phật, trong các hang động này còn cả những bích họa và điêu khắc đá mô tả đời sống của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Dựa vào công trình kiến trúc, nghệ thuật hội họa, điêu khắc ở hang động Ajanta này, chúng ta có thể khẳng định rằng, nghệ thuật hội họa, điêu khắc của người Ấn Độ cổ đại đã đạt đến chất lượng hoàn hảo về màu sắc cũng như bố cục. Có được những tác phẩm nghể thuật Phật giáo đạt đến vẻ đẹp siêu trần thoát tục như thế là nhờ các họa sĩ và nhà điêu khắc đã thấm nhuần Phật pháp. Chính họ đã góp phần quan trọng để tạo nên giá trị cho quần thể hang động Ajanta.
Tuy nhiên, do nằm ẩn mình trong khu rừng rậm hoang vu của cao nguyên Deccan, cho nên quần thể hang động Ajanta đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Vào năm 1819, khi thực dân Anh sang xâm chiếm Ấn Độ, một nhóm người Anh trong lúc đi săn thú rừng ở khu vực này đã tình cờ phát hiện ra quần thể hang động Ajanta. Kể từ đó người ta mới bắt đầu quan tâm nghiên cứu và bảo tồn, phát triển những giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, nhân văn của quần thể hang động Ajanta. Đến năm 1983, UNESCO đã công nhận quần thể hang động Ajanta là Di sản Văn hóa Thế giới.
Ngày nay, chính quyền địa phương đang ra sức tôn tạo và khai thác tiềm năng du lịch hành hương của quần thể hang động Ajanta. Hàng năm có hành trăm nghìn khách hành hương, gồm du khách trong nước và cả du khách quốc tế, đến với Ajanta để được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc có một không hai trên thế giới này, một công trình vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người, với vẻ đẹp hài hòa, thanh thoát.
Đến với hang động ở Ajanta, du khách thấy trong lòng trào dâng niềm cảm phục trước tài năng phi thường và lòng sùng tín đạo Phật vô bờ bến của người Ấn Độ xưa. Quần thể hang động Ajanta hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, vẫn giữ được nét nguyên sơ của nó và đang chờ các bạn đến để chiêm ngưỡng, khám phá và để cảm nhận.
Minh Nguyên